Vị trí dễ dàng kết nối các tuyến giao thông trọng điểm và công nghiệp – dịch vụ phát triển giúp Bàu Bàng thu hút các dự án bất động sản.
Hạ tầng giao thông
Nằm cách trung tâm TP HCM 60 km, Bàu Bàng (Bình Dương) có lợi thế lớn về giao thông khi dễ dàng kết nối với các cảng biển, sân bay quốc tế. Cụ thể, địa phương cách Tân Cảng, cụm cảng Sài Gòn, VICT, ICD Phước Long và sân bay quốc tế Tân Sân Nhất khoảng 60 km. Huyện tiếp giáp với Quốc lộ 13 đã nâng cấp mở rộng sáu làn xe – tuyến đường huyết mạch nối liền Bình Dương với các tỉnh lân cận.
Bình Dương đang hoàn thiện thi công tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn kết nối với Quốc lộ 51 nhằm tận dụng tối đa lợi thế của các cảng biển như Hiệp Phước, Cát Lái (TP HCM) và Cái Mép, Thị Vải (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) và sân bay quốc tế Long Thành. Khi đi vào khai thác, tuyến đường sẽ giúp các nhà đầu tư tại Bàu Bàng nhanh chóng tiếp cận địa bàn các tỉnh Tây nguyên và miền Trung cũng như TP HCM.
Ngoài ra, tuyến đường Vành đai 4 kết nối Bàu Bàng với năm tỉnh thành công nghiệp của khu vực phía Nam là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Sắp tới, khu vực còn có thêm dự án đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước – Bàu Bàng, đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, nâng cấp đường ĐT 749A, ĐT 749C, đường ĐT 741B, ĐT 750.
Phát triển công nghiệp – dịch vụ
Những năm gần đây, Bàu Bàng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Địa phương hiện có năm khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.298 ha, chưa kể các cơ sở nằm ngoài các khu công nghiệp có diện tích khoảng 175 ha.
Hành lang phát triển công nghiệp và đô thị của Bàu Bàng sẽ trải dọc theo Quốc lộ 13 với chuỗi đô thị Bến Cát – Bàu Bàng, Chơn Thành… và hệ thống khu công nghiệp tập trung Mỹ Phước – Bàu Bàng – Nam Chơn Thành. Ngoài ra, một số khu công nghiệp cũng sẽ bám theo trục Vành đai 5 từ thị xã Tân Uyên qua Phú Giáo – Bàu Bàng.
“Trong tương lai gần, Bàu Bàng sẽ khoác lên mình một diện mạo mới với nhiều đột phá về phát triển giao thông, thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại -dịch vụ. Đây chính là yếu tố kích thích dòng vốn đầu tư đổ vào Bàu Bàng kể từ đầu năm 2019 đến nay”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc tại đây chia sẻ.
Xem thêm: Có nên đầu tư mua đất ở Bàu Bàng – Bình Dương không?
Xem thêm: Cập nhật giá đất Bàu Bàng mới nhất năm 2020
Vị trí đắc địa
Thuộc Bắc Bình Dương, Bàu Bàng thuận tiện kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ. Tuyến đường Vành đai 4 sau khi thông xe sẽ mang lại nhiều lợi ích về cả mặt giao thông lẫn kinh tế.
Nhờ giao thông thuận lợi hơn trước mà các loại hình dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cũng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Từ đó kéo theo các khu dân cư, kinh doanh buôn bán hình thành và xuất hiện các khu dự án đô thị quy mô.
Điển hình là khu công nghiệp đô thị diện tích tới 3.200 ha của tập đoàn Becamex dự kiến đưa dân số huyện Bàu Bàng lên đến 200.000 người trong tương lai gần. Hiện nay, khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng đã dần hoàn thiện, nhiều nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động.
Đại diện Công ty Địa ốc Thuận Phát Land – chủ đầu tư dự án quy mô hơn 20ha tại Bàu Bàng cho biết, giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện đã sôi động trong những năm gần đây. Bên cạnh vị trí chiến lược và hạ tầng phát triển, Bàu Bàng còn nhiều tiềm năng khi Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp phía Bắc, trong đó có Bàu Bàng. Hơn nữa, do mới trong giai đoạn đầu phát triển, huyện sở hữu quỹ đất rộng với mức giá cạnh tranh.
“Đầu năm, lượng tiền nhàn rỗi trong dân có xu hướng tăng nên nhu cầu tìm kiếm bất động sản để đầu tư sinh lời cũng tăng cao. Đây là yếu tố tâm lý kích thích thị trường bất động sản Bàu Bàng trong ngắn hạn”, đại diện Thuận Phát Land chia sẻ.
Lộc An
Nguồn: vnexpress.net – Bài viết gốc