Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các khu công nghiệp (KCN) ở phía bắc của tỉnh đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh.
Xem thêm: Vị trí, hạ tầng, công nghiệp: Đường băng cho bất động sản Bàu Bàng cất cánh
Xem thêm: Bàu Bàng có viết lại câu chuyện BĐS của các quận vùng ven TP. HCM?
Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc với các KCN làm đòn bẩy đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng 1.000 ha, huyện Bắc Tân Uyên 215 ha, TX.Tân Uyên 1.630 ha, TX.Bến Cát 3.200 ha.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển đô thị của Bình Dương, TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng được xem là vùng đô thị đa chức năng, nắm giữ vai trò kết nối giao thương giữa vùng lõi trung tâm với Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển vùng đô thị nằm ở cửa ngõ phía bắc này.
Ngoài các KCN hiện hữu, hiện Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng 5 KCN tại Bến Cát, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và Thới Hòa. Các KCN này đang trở thành một hấp lực đối với các nhà đầu tư nhắm vào Bình Dương. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây, như: Tập đoàn Kumho Asiana, Công ty Giấy Graft Vina, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation, Công ty Colgate – Palmolive Việt Nam, Công ty TNHH Tomoku Việt Nam…
Với huyện Bàu Bàng, nhờ chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, cùng với lợi thế quốc lộ 13 kết nối xuyên suốt, KCN Bàu Bàng do Becamex IDC làm chủ đầu tư đang hoạt động rất hiệu quả, giúp diện mạo của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Kinh tế của huyện đã khởi sắc, chuyển biến nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Năm 2020, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 138 dự án đăng ký mới và 20 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đăng ký gần 943 tỷ đồng và 243,85 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 1.079 dự án, trong đó đầu tư trong nước 883 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 30.500 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 196 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD.
Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Bàu Bàng ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn đầu tư vào địa bàn. Ngoài KCN – đô thị Bàu Bàng, huyện còn có KCN Tân Bình, KCN Lai Hưng và Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các doanh nghiệp (DN) đến mở nhà máy.
Một số dự án có vốn đầu tư lớn tại địa phương này, như: Tập đoàn Kumho Asiana, chuyên sản xuất vỏ xe ô tô, vốn đầu tư 360 triệu USD; Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) triển khai dự án với diện tích 99 ha, vốn đầu tư bước đầu hơn 274 triệu USD và vừa điều chỉnh tăng lên 760 triệu USD…
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết với mục tiêu xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển, sớm trở thành trung tâm công nghiệp – đô thị phía bắc của tỉnh, tạo bước đột phá thúc đẩy huyện Bàu Bàng hướng đến tầm cao mới, Bình Dương đã quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN) tại huyện Bàu Bàng.
Nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho công nghiệp phát triển, trong giai đoạn 2021- 2025, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị.
Để tạo đà bứt phá cho cửa ngõ kinh tế khu vực phía bắc, thời gian qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Về hạ tầng, bên cạnh hai trục kinh tế động lực quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như quốc lộ 14, đường Vành đai 4, Bình Dương đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc như cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tuyến metro Thủ Dầu Một – Mỹ Phước – Bàu Bàng – Long Nguyên, đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh.
Đáng chú ý là tuyến cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 22 và đường Xuyên Á tạo thành trục động lực phát triển kinh tế thứ ba của Bình Dương, kéo dài xuyên suốt từ Bình Phước xuống TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia. Tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc mời chào các nhà đầu tư về các KCN phía bắc của tỉnh.
Theo baobinhduong.vn – Bài viết gốc